Chính sách mới đối với tam nông… (Bài III)

Bài III: Tam nông, nhìn từ Trung Quốc

"Cho nhiều, thu ít"

Chính sách tam nông của Trung Quốc đang bước vào giai đoạn phát triển nhất trong lịch sử. Sản xuất lương thực, thu nhập của nông dân tăng hằng năm. Ngân sách trung ương dành hỗ trợ cho các dự án tam nông không ngừng tăng, năm 2007 đạt 3.917 tỷ nhân dân tệ (1 Nhân dân tệ tương đương 2.200đồng). Sáu tháng đầu năm 2007, thu nhập bình quân của nông dân đạt 2.111 nhân dân tệ, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2006, cao nhất từ 1995 đến nay. Sản xuất nông nghiệp có những bước tiến mới, bùng nổ phát triển tổ chức hợp tác nông dân chuyên sâu, thúc đẩy phát triển theo phương thức "nhất thôn nhất phẩm" (mỗi thôn một sản phẩm).

Gia Chủy trước đây là thôn đánh cá và trồng trọt nghèo nhất huyện Cao Thuần (Giang Tô), từ khi mở mang nghề đóng tàu và vận tải thủy, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Gia Chuỷ đã trở thành thôn điển hình toàn quốc về nhiều mặt. Trao đổi với Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nhân chuyến thăm Trung Quốc, Bí thư Đảng ủy thôn Gia Chủy cho rằng, đó là kết quả của quá trình loại bỏ suy nghĩ phát triển nông thôn chỉ với nguồn đất hạn chế, đột phá khai thác thế mạnh, mở mang ngành nghề. Yếu tố quyết định là lãnh đạo thông suốt, dám làm, quyết tâm cống hiến, kích thích ý thức lập nghiệp và làm giàu của dân. Hiện ở Gia Chuỷ đã có những "biệt thự nông dân", bên cạnh các "chung cư nông dân", nằm trong khu quy hoạch nông thôn mới.

Phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp là một giải pháp để Trung Quốc thực hiện chính sách tam nông hiệu quả. Tính đến cuối năm 2007, Trung Quốc có khoảng 154.842 doanh nghiệp kinh doanh nông sản, kéo theo sự phát triển của hơn 90,9 triệu hộ sản xuất. Chính sách giáo dục "lưỡng miễn nhất bổ" (miễn phí sách vở, các khoản tạp phí và trợ cấp tiền sinh hoạt phí cho học sinh nội trú thuộc các gia đình khó khăn) đã chung sức gánh vác trách nhiệm cho 150 triệu gia đình có con đang học tiểu học, trung học.

Để đạt được những kết quả trên, Chính phủ Trung Quốc đã thi hành một loạt biện pháp theo phương châm "cho nhiều, thu ít, tạo nhiều việc làm", mở rộng con đường giúp nông dân tăng thu nhập. Những biện pháp đó bao gồm:

Không ngừng tăng thêm sự chi viện của nhà nước cho phát triển nông nghiệp; ngày càng chú trọng tới khu vực nông thôn về các mặt tài chính, thu thuế; tích cực đưa ra các biện pháp, chính sách để giảm bớt khó khăn về tài chính cho các huyện, xã khu vực nông thôn, tăng thêm nguồn ngân sách cho phát triển giáo dục, y tế, văn hoá đối với khu vực nông thôn. Tiếp tục hoàn thiện và tăng cường chính sách trợ cấp đối với nông dân.

Cố gắng khai thác tiềm lực, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, căn cứ theo nhu cầu của thị trường, đưa ra các biện pháp thích hợp cho từng khu vực để điều chỉnh và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đẩy mạnh phát triển xí nghiệp hương trấn, nhanh chóng đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; phát triển các ngành sản xuất tập trung lao động cao và dịch vụ ở nông thôn, tăng cường thu hút nguồn lao động nông thôn làm việc tại địa phương.

Tích cực giải quyết và xoá bỏ những quy định không hợp lý, dần dần xây dựng chế độ việc làm có sự cạnh tranh công bằng và thị trường lao động thống nhất giữa thành thị và nông thôn.

Nền nông nghiệp hiệu quả cao

Công nghiệp hoá nông nghiệp, trồng rau bằng máy vi tính, tiếp thị sản phẩm nông nghiệp qua mạng internet, đó là những kỳ tích mà trước đây có nằm mơ nông dân Trung Quốc cũng không dám nghĩ tới. Vậy mà giờ đây tại các tỉnh như Quảng Đông, Phúc Kiến, Thiên Tân, những chuyện như vậy đã xuất hiện tương đối phổ biến. Người nông dân đời này qua đời khác quen dựa vào ông trời cuối cùng đã "lột xác", rửa chân lên bờ nghe điện thoại di động gọi đặt hàng. Một tầng lớp không phải công nhân cũng không phải nông dân ra đời, đó là công nhân nông nghiệp. Điều kỳ diệu ấy có được nhờ chính sách tam nông.

Có một điều dễ nhận thấy là nhờ thực hiện chính sách tam nông, nông nghiệp, nông thôn Trung Quốc thực sự khởi sắc, trái với những cảnh báo tồi tệ trước khi gia nhập WTO. Sản xuất rau quả và thịt tăng nhanh, hiện là một trong những nước sản xuất lớn nhất các mặt hàng như thịt heo (46% sản lượng thế giới), bông sợi (24%), trà (23%). Sản xuất thủy hải sản tăng gấp ba lần trong 10 năm, chiếm 1/3 sản lượng thế giới. Trung Quốc đứng thứ 8 trên thế giới về xuất khẩu nông sản.

Đó là kết quả của một số điều chỉnh thức thời khi gia nhập WTO nhằm giúp nông dân đứng vững. Một tháng rưỡi sau ngày gia nhập WTO, ngành nông nghiệp Trung Quốc đã nhìn thấy tận mắt những bất lợi của nông dân. Cơ bản là việc phải dỡ bỏ các hàng rào thương mại và mở cửa thị trường trong nước. Khó khăn tăng thêm trong việc kinh doanh các mặt hàng nông sản và sức ép về hệ thống phân phối. Vào thời điểm năm 2001, khi Trung Quốc đã là thành viên của WTO, giá cả của các mặt hàng lúa mì, đậu nành, bắp, vải sợi, dầu thực phẩm và đường cao hơn mức giá thế giới từ 10 đến 70%. Trong khi đó, thịt, rau quả và hải sản thấp hơn mức giá thế giới 40-80% nhưng lại gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về sự đa dạng, mẫu mã, hương vị và chế biến. Từ cán cân thuận lợi và bất lợi đó, Trung Quốc đã tìm ra giải pháp: tái cơ cấu nông nghiệp cũng như việc xuất nhập khẩu nông sản.

Do có nguồn lao động dồi dào nhưng lại không có được diện tích đất trồng tương ứng, Trung Quốc thực hiện kế hoạch phát triển lương thực trên quy mô lớn, nhằm nâng cao khả năng sản xuất nông nghiệp; tăng nhập khẩu lúa mì, ngũ cốc, cây lấy dầu, cây chế biến đường, đậu nành, bông; đẩy mạnh xuất khẩu rau quả, hoa màu và các sản phẩm rau quả có tỉ trọng lao động cao. Tập trung vào làm vườn, nuôi trồng thủy sản, đậu nành, chăn nuôi bò sữa, lương thực và các nguồn thực phẩm khác. Từ đó, quy hoạch nhiệm vụ chính tập trung vào sản xuất lúa gạo chất lượng cao ở sông Hoàng Hà và khu vực Huaihai, sản xuất bắp và đậu nành ở khu vực Đông Bắc và phía Đông khu vực Nội Mông, sản xuất bông ở Thiên Tân, thịt cừu và bê ở đồng bằng trung tâm, sản xuất bò sữa ở miền Bắc, trồng cam và hạt cải dầu ở sông Dương Tử,… Tiêu chuẩn chất lượng của hệ thống sản xuất và kiểm tra được xây dựng nhằm đảm bảo chất lượng và độ an toàn của các sản phẩm nông nghiệp.

Ngoài việc điều chỉnh cơ cấu sản xuất, Trung Quốc còn thúc đẩy cải tổ việc quản lý trong nông nghiệp và hệ thống phân phối sản phẩm. Điều này còn quan trọng hơn việc tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Nhờ một loạt chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của chính phủ, việc giảm diện tích canh tác liên tiếp trong nhiều năm qua đã dừng lại. Thu nhập của nông dân tăng rõ rệt. Nông nghiệp đang được điều chỉnh cơ cấu sản xuất để các sản phẩm có tính cạnh tranh hơn. Nhằm hỗ trợ nông dân, Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực đổi mới cách phát triển nông nghiệp – nông thôn, cố gắng đưa các giống mới chất lượng cao vào sản xuất và hỗ trợ tìm kiếm thị trường mới cho nông sản.

Kinh nghiệm thực hiện chính sách tam nông ở Trung Quốc là bài học cho chúng ta trong chiến lược đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nhằm rút ngắn khoảng cách giàu – nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân.

Bài IV: Nông dân là trung tâm