(NTF) Trong khuôn khổ hoạt động của dự án ACIAR –LPS/2012/062, Trường Đại học Nông Lâm Huế đã tổ chức tập huấn kiến thức về chuỗi giá trị thịt bò tại các tỉnh Đăk Lăk, Phú Yên và Bình Định.
Việc quản lý chăn nuôi bò tại các địa phương lâu nay chỉ mới tập trung vào việc nâng cao sức sản xuất cũng như tăng năng suất thịt bò mà chưa chú trọng vào việc tìm đầu ra cho sản phẩm thịt bò, hay nói cách khác là chưa quan tâm đến người tiêu dùng để tăng giá trị sản phẩm. Do đó, kết quả quản lý chưa cao, người nông dân thường xuyên lâm vào cảnh bị ép giá và phải gánh chịu nhiều rủi ro. Thúc đẩy hiệu quả vận hành chuỗi giá trị là một phương pháp tiên tiến trên thế giới nhằm mang lại lợi ích cho tất cả những người tham gia cung ứng sản phẩm nhằm đảm bảo tính công bằng cũng như tạo ra cơ chế đổi mới sản phẩm tốt hơn. Tuy nhiên phương pháp này vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Được tài trợ bởi trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR), trong khuôn khổ dự án LPS/2012/062 về nâng cao sức sản xuất bền vững và hiệu quả của các nông hộ chăn nuôi bò ở miền Trung Việt Nam, từ ngày 28/7/2014 đến 1/8/2014 trường Đại học Nông Lâm Huế đã tổ chức 3 khóa tập huấn kiến thức về chuỗi giá trị thịt bò cho cán bộ nông nghiệp tại ba tỉnh Đăk Lăk, Phú Yên và Bình Định. Tham gia tập huấn có 20 học viên/khóa là các lãnh đạo và cán bộ hiện tại đang công tác trong các cơ quan có liên quan đến ngành chăn nuôi trên địa bàn các tỉnh như: Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm/trạm khuyến nông tỉnh và huyện, Chi cục thú y, Trung tâm giống cây trồng và vật nuôi, Hội nông dân các cấp, chi cục quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp v.v…, bên cạnh đó còn có các cán bộ nghiên cứu đến từ trường ĐHNL Huế, Đại Học Kinh tế Huế, Trường Đại học Tây Nguyên và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi miền Trung, Viên chăn nuôi Quốc Gia, Trường Đại Học Tasmania, Úc. Giảng viên cho các khóa tập huấn là TS. Laurie Bonney, chuyên gia về chuổi giá trị đến từ trường ĐH Tasmania, Úc. Sau khóa tập huấn các học viên đã có những kiến thức cơ bản về chuổi giá trị thịt bò như: sự thay đổi của các thị trường lương thực và hệ thống bán lẻ trên thế giới và Việt Nam, các khái niệm về chuỗi cung và chuỗi giá trị, sự cần thiết của việc thay đổi suy nghĩ theo hệ thống chuỗi giá trị, các phương pháp nghiên cứu và quản lý chuỗi giá trị cũng như những lợi ích của việc quản lý này. Sau các buổi học cũng như kết thúc khóa tập huấn ban tổ chức có đánh giá kết quả và lấy các ý kiến phản hồi từ các học viên, kết quả cho thấy học viên đã nhận được các kiến thức bổ ích về sự thay đổi hiện nay của hệ thống lương thực, khái niệm, cách vận hành cũng như cách quản lý chuỗi giá trị. Nhiều học viên cho rằng đây là những vấn đề rất hay và mới mà những người làm công tác quản lý như họ chưa bao giờ được tiếp cận. Qua buổi tập huấn, tất cả học viên đều đánh giá cao nội dung tập huấn về tầm quan trọng, tính thưc tiễn và khả năng áp dụng.
Giáo sư Laurie Bonney, Đại học Tasmania giải thích về tầm quan trọng của chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Anh Ngô Văn Thèo, Trưởng phòng Chăn nuôi của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: “Lâu nay các nhà quản lý chỉ mới tập trung phát triển kỹ thuật nuôi bò nhằm tạo ra nhiều thịt hơn chứ chưa từng nghĩ sẽ bán sản phẩm này cho ai và bán như thế nào. Tuy nhiên, với sự thay đổi của hệ thống lương thực thế giới và Việt Nam, việc chú trọng đầu ra của sản phẩm thịt là một yêu cầu cấp bách. Để giúp nông dân tồn tại trong môi trường mới hiện nay, các nhà quản lý tất yếu phải suy nghĩ theo định hướng mới về chuỗi giá trị. Theo tôi, đây mà một buổi tập huấn cực kỳ bổ ích”.
Một nhận định chung được rút ra từ bởi các học viên tham dự tập huấn là nếu quản lý tốt chuỗi giá trị, chúng ta hoàn toàn có thể đem lại diện mạo mới cho ngành chăn nuôi thịt bò ở các địa phương.
Bên cạnh đó, thông qua hoạt động thảo luận, chia sẽ thông tin từ phía cán bộ nghiên cứu dự án LPS/2012/062 và các học viên, lãnh đạo và cán bộ địa phương đã hiểu rõ hơn về nội dung dự án LPS/062/2012 và khẳng định sẽ ủng hộ cho các hoạt động của dự án, cán bộ nghiên cứu cũng nắm thêm một số thông tin cơ bản về chuỗi cung bò thịt và một số chính sách cơ bản liên quan đến phát triển bò thịt ở các địa phương. Đây là một điều kiện thuận lợi cho sự thành công của dự án này cũng như các dự án trong tương lai.