Xã Trà Phú cách trung tâm huyện Trà Bồng 7 km về phía Đông là xã miền núi đặc biệt khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất để phát triển kinh tế địa phương là việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Nguyên nhân chính là trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật trong sản xuất của người dân còn rất thấp, hầu hết chưa qua đào tạo. Bên cạnh đó, người dân chưa quan tâm đến an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và khó khăn trong liên kết, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm chăn nuôi.
Với các mục tiêu ứng dụng đồng bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình về phát triển chăn nuôi bò, lợn và gà mang tính chất hàng hóa nhằm thay đổi phương thức chăn nuôi kém hiệu quả tại địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới ở xã Trà Phú, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, nhóm nghiên cứu của Khoa Chăn nuôi thú y trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế phối hợp với UBND xã Trà Phú, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam đã triển khai dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình chăn nuôi bền vững cho đoàn viên thanh niên và nông dân xã Trà Phú, huyện Trà Bồng.” từ năm 2019 đến nay. Trong đó nổi bật và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất là hoạt động ứng dụng một công nghệ để xây dựng mô hình chăn nuôi lợn.
Phương pháp tiếp cân của mô hình nhằm đảm bảo cân bằng 4 yêu cầu chính của chăn nuôi trong bối cảnh mới gồm: (1) Phát triển kinh tế, (2) Công bằng xã hội, (3) Bảo vệ môi trường và (4) Đảm bảo phúc lợi động vật (vật nuôi sống thuận tự nhiên, khỏe mạnh về thể chất, thoải mái về tinh thần). Với phương pháp tiếp cận đó, dự án đã triển khai đồng bộ, có hệ thống các giải pháp kỹ từ thuật từ khâu giống, chuồng trại, chế biến thức ăn, thú y, xử lý chất thải… Chính vì vậy, một trong những điểm mới của mô hình này là lợn được nuôi khép kín từ sản xuất con giống cho đến tiêu thụ sản phẩm; sử dụng nguồn thức ăn tại địa phương và nuôi theo quy trình an toàn sinh học. Nhờ vậy, mô hình có thể mở rộng sản xuất theo hướng tạo ra sản phẩm hàng hóa. Những hệ thống chăn nuôi như thế này đã và đang giúp giảm thiểu chất thải nhờ tái sử dụng và làm giảm bớt nhu cầu đối với nguyên liệu từ bên ngoài và giảm rủi ro cho nông dân.
Mục tiêu của dự án là ứng dụng đồng bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình về phát triển chăn nuôi, đặc biệt là phát triển chăn nuôi lợn mang tính chất hàng hóa nhằm thay đổi phương thức chăn nuôi kém hiệu quả tại địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đoàn viên thanh niên và nông hộ, góp phần xây dựng nông thôn mới ở xã Trà Phú, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Dự án đã xây dựng 05 mô hình chăn nuôi lợn với 15 lợn nái giống, 05 hầm biogas composite. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính bền vững cho các mô hình, dự án còn triển khai các khóa tập huấn về: Kỹ thuật xây dựng, sử dụng chuồng trại và thiết bị chăn nuôi; Kỹ thuật chăn nuôi lợn nái, lợn thịt ; Kỹ thuật chế biến, sử dụng một số nguồn thức ăn sẵn có làm thức ăn và quản lý an toàn dịch bệnh trên lợn. Việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, các hướng dẫn luôn được cập nhật, điều chỉnh trong suốt quá trình triển khai để phù hợp với thực tế địa phương, người dân dễ dàng tiếp cận, áp dụng. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh luôn luôn có nguy cơ bùng phát, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế thì việc người dân có thể tự chủ động về kỹ thuật, khoa học và quan trọng nhất nắm bắt được các quy trình phòng dịch bệnh, là điều hết sức cần thiết.
Theo các khảo sát ban đầu thì một trong những hạn chế trong chăn nuôi tại địa phương đó là về tổ chức sản xuất. Cụ thể sản xuất chăn nuôi ở xã Trà Phú chưa có tổ chức, các hộ chăn nuôi một cách tự phát, chưa có sự liên kết trong sản xuất. Điều đó làm cho sản phẩm chăn nuôi khó tiếp cận thị trường tiêu thụ. Để khắc phục hạn chế này, dự án đã thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi Trà Phú, thành viên chủ chốt là các hộ đã triển khai mô hình, được tập huấn kỹ thuật. Mục đích là nhằm tăng cường khả năng liên kết giữa các hộ, phát huy sức mạnh tập thể, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm và quan trọng nhất là chuyển giao rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Thông qua việc hình thành HTX, địa phương cũng đã đăng ký Nhãn hiệu tập thể HTX Chăn nuôi Trà Phú. Đây là bước đi cần thiết, kịp thời đáp ứng yêu cầu sản xuất trong chăn nuôi, giúp sản phẩm địa phương có thể tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Các kết quả ban đầu của dự án nói chung và mô hình chăn nuôi lợn nói riêng trên địa bàn xã Trà Phú đã góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi tăng thu nhập cho nông hộ, góp phần xoá đói giảm nghèo; Tạo động lực thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng sản hàng hóa an toàn, phù hợp với xu thế phát triển.Và đã góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao tỷ trọng giá trị ngành chăn nuôi theo đúng với chủ trương phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi.