30 năm “thả nổi” chất lượng giáo dục ĐH

(Dân trí) – Đó là thừa nhận của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trong báo cáo gửi Chính phủ. Theo ông Nhân, 30 năm qua, chưa có đánh giá thực tế và có báo cáo hàng năm về chất lượng đào tạo của các trường và cả hệ thống giáo dục đại học.

 

Thí sinh dự thi đại học năm 2009  

 Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, nhìn lại 23 năm đổi mới của đất nước và 9 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010, giáo dục ĐH đã từng bước phát triển rõ rệt về quy mô, đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo… Tuy nhiên, bậc học này đang đứng trước nhiều thách thức rất to lớn: Phương pháp quản lý nhà nước đối với các trường ĐH, CĐ chậm được thay đổi, không đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của toàn hệ thống, chưa phát huy mạnh mẽ được sự sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, các nhà quản lý và sinh viên. Chất lượng nguồn nhân lực đang là một khâu yếu kém, kéo dài của toàn bộ hệ thống kinh tế.

Trong báo cáo gửi Chính phủ về sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học, người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng thừa nhận, việc thành lập trường, triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới trường ĐH, CĐ còn bộc lộ nhiều hạn chế. Trong số 376 trường ĐH, CĐ thì có khoảng 20% trường được thành lập mới hoặc nâng cấp lên ĐH từ năm 2005 chưa thực hiện đầy đủ các cam kết như trong đề án khả thi thành lập trường và mở ngành tuyển sinh, chưa chuẩn bị đồng bộ về đất đai, giảng viên, vốn đầu tư và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác.

Ngoài ra, hiện chưa có quy định bắt buộc về kiểm tra thực tế các điều kiện cần thiết khi cho phép mở ngành đào tạo và tuyển sinh; chế tài xử lý đối với các trường không thực hiện đúng cam kết về các điều kiện mở ngành và tuyển sinh chưa đủ mạnh; chưa có quy định các trường phải xây dựng chuẩn năng lực người tốt nghiệp (chuẩn đầu ra) nên chưa có cơ sở đánh giá đúng chất lượng đào tạo; hệ thống quản lý chất lượng trong giáo dục ĐH chậm được hình thành…

"Thực tế gần 30 năm chúng ta chưa thực sự quản lý được chất lượng giáo dục ĐH vì chưa có chuẩn đầu ra của các trường ĐH, CĐ (chuẩn năng lực của người tốt nghiệp); chưa giữ được chuẩn của nhiều yếu tố đầu vào (giáo viên, chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất); chưa có cơ quan chuyên trách quản lý chất lượng; hàng năm chưa có đánh giá thực tế và có báo cáo hàng năm về chất lượng đào tạo của các trường và cả hệ thống giáo dục ĐH" – Bộ trưởng cho biết.

Nguyên nhân của tình trạng này là do việc quản lý và chịu trách nhiệm của cơ quan nhà nước về các trường ĐH, CĐ rất phân tán. Trong tổng số 376 ĐH, CĐ cả nước hiện nay, Bộ quản lý 54 trường, các bộ ngành khác quản lý 116 trường; UBND các tỉnh, thành phố là cơ quan chủ quản của 125 trường; có 81 trường dân lập, tư thục.

Bên cạnh đó, hệ thống quản lý giáo dục ĐH còn nặng chiều chỉ đạo từ trên xuống, xin từ dưới lên, chưa có cơ chế buộc lãnh đạo cấp trên phải nghe cơ sở, cấp dưới ở mức cần thiết, chưa có cơ chế sàng lọc cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Do đó xét về tổng thể Bộ GD-ĐT chưa thể trả lời được 3 câu hỏi: Chất lượng đào tạo của các trường thế nào? Các trường tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến đào tạo thế nào? Hiệu quả đầu tư từ ngân sách cho các trường ĐH, CĐ công lập thế nào?

Một số giải pháp cụ thể đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo 2009-2012

– Về phát triển đội ngũ: Từ năm 2010 mỗi năm cử khoảng 1.000 giảng viên làm tiến sĩ ở trong nước, 1.000 giảng viên làm thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Từ năm học 2009-2010, thực hiện sinh viên tham gia đánh giá giảng dạy của 100% giảng viên. Các giảng viên ĐH đều có kế hoạch đến năm 2012 mỗi giảng viên sử dụng tốt một ngoại ngữ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học.

– Về chuẩn hoá và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo: Thông qua Hội đồng các Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ  và trưởng khoa cùng nhóm ngành để thống nhất các chương trình đào tạo khung của các ngành do các trường đào tạo, phân công viết giáo trình dùng chung cho các trường.

– Chuẩn hoá và đảm bảo đủ 100% giáo trình ĐH: Bộ GD-ĐT ban hành quy chế biên soạn giáo trình ĐH (trước tháng 2/2010). Các trường rà soát tình hình giáo trình, phối hợp qua Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ và trưởng khoa cùng nhóm ngành để biên soạn giáo trình dùng chung. Phấn đấu đến năm 2012 tất cả các trường đều có đủ giáo trình cho mỗi ngành đào tạo.

– Chuẩn hoá đội ngũ lãnh đạo các trường ĐH, CĐ toàn quốc: Hoàn thiện và tiếp tục chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ, phấn đấu từ tháng 12/2011 trở đi tất cả hiệu trưởng, hiệu phó đương nhiệm đã qua bồi dưỡng. (Trích báo cáo của Bộ GD-ĐT)