Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và Chuỗi giá trị nông sản”

Sáng nay (19/8/2022), Khoa Phát triển Nông thôn (PTNT) phối hợp với Trung tâm phát triển nông thôn Miền Trung, trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH) đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và Chuỗi giá trị nông sản”.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo được tổ chức theo cả 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp với sự tham dự của: Ông Lê Hoàng,  Tổng Giám đốc HTXNN số; Ông lê văn Lợi, trưởng ban đào tạo chuyển đổi số ( Theo công văn 189 của Bộ NN&PTNT), trưởng Phòng hỗ trợ khách hàng công ty TNHH Sorimachi Việt nam tại TP.HCM; Ông Hoàng Bảo Hùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Tỉnh Thừa Thiên Huế; Cùng đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh.

Về phía Nhà trường, có GS.TS. Lê Đình Phùng, Phó hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Viết Tuân, Trưởng khoa Phát triển nông thôn; Đại diện lãnh đạo các Khoa, phòng chức năng và toàn thể cán bộ, giảng viên khoa PTNT.

GS.TS. Lê Đình Phùng, Phó hiệu trưởng Nhà trường phát biểu chỉ đạo tại Hội Thảo
PGS.TS Nguyễn Viết Tuân, Trưởng khoa Phát triển nông thôn phát biểu khai mạc Hội thảo

Chuyển đổi số là cụm từ được nhắc đến bên cạnh các khái niệm như điện toán đám mây, big data, blockchain,… và được coi như một xu hướng tất yếu trong thời kỳ cách mạng số 4.0 và được các cơ quan nhà nước nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp bao gồm:

– Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản.. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

– Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Xem xét thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ, …) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp.

– Phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm là chương trình quốc gia, đang được các địa phương thực hiện, là những vấn lớn của cả nước, chuyển đổi số trong phát triển nông thôn là một vấn đề quan trọng góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số quốc gia, và thể hiện tầm trong trọng hiện nay. Ngày 2/8/2022 Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định số 924/QĐ-TTg Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Ông Lê Anh Hoàng, Tổng giám đốc HTX số Hà Nội trình bày báo cáo trực tuyến
Ông Lê Văn Lợi, Trưởng ban đào tạo chuyển đổi số (Theo công căn 189 của nộ NN&PTNT), Trưởng phòng hỗ trọ khách hàng công ty TNHH Sorimachi Việt Nam tại TP.HCM trình bày báo cáo tại hội thảo

Tại Hội thảo, Đại biểu đã được lắng nghe các chuyên gia trình bày các báo cáo: Giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp: Ứng dụng công nghệ vào quản lý và ghi chép nhật ký sản xuất điện tử, truy xuất nguồn gốc; Thực trạng năng lực cán bộ thực hiện chuyển đổi số trong nghiệp ở tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị; Giải pháp hợp nhất về thương mại điện tử cho nông dân, nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế; Sử dụng công nghệ số trong quản lý rừng bền vững; Chuỗi giá trị heo đen Nam Giang: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh chuyển đối số nông nghiệp.

Thông qua phiên thảo luận, Hội thảo đã thu về nhiều ý kiến trao đổi, giải pháp, các khuyến nghị góp phần thúc đẩy chuyển đổi số cũng như làm thế nào để có sự phối hợp giữa các chuyên gia, các đơn vị, huy động, chia sẻ nguồn lực, tăng cường hợp tác tìm thêm cơ hội cho nghiên cứu thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong nông nghiệp xây dựng nông thôn thông minh khu vực miền trung.