Chiều qua, tại Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thừa Thiên Huế, đoàn công tác trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH) đã có buổi làm việc về công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT. Dẫn đầu đoàn có PGS.TS. Trần Thanh Đức – Phó Hiệu trưởng phụ trách cùng lãnh đạo các đơn vị chức năng. Về phía Sở GD&ĐT có ông Nguyễn Tân – Giám đốc Sở và lãnh đạo các phòng, ban chức năng.
Trong những năm qua, công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh THPT đã và đang được quan tâm, chú trọng nhưng công tác triển khai tại các trường THPT đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nguyên nhân chính là đội ngũ giáo viên tại các trường THPT chưa thể đảm nhận, truyền đạt được hết các kiến thức cần có theo khung chương trình này. Điều này đã dẫn đến tỷ lệ sinh viên năm 1 bỏ học còn khá cao do trước đó các em không được định hướng tốt về nghề nghiệp. Nhận thấy điều này, trường ĐHNL đã có nhiều hoạt động gắn kết với các trường THPT thông qua việc tổ chức các diễn đàn có sự tham gia của lãnh đạo các trường THPT khu vực miền Trung và đến nay là thảo luận với Sở GD&ĐT để có những định hướng lâu dài.
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS. Trần Thanh Đức một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng trong công tác hướng nghiệp và bày tỏ mong muốn phối hợp với Sở và các trường THPT để làm sao định hướng, phân luồng tốt cho học sinh trong địa bàn tỉnh. PGS.TS. cũng chia sẽ, trường ĐHNL có bề dày lịch sử hơn 53 năm hình thành và phát triển, với 26 ngành đào tạo bậc Đại học trên nhiều lĩnh vực, cùng với đó chất lượng đội ngũ và cơ sở vật chất có đủ khả năng đáp ứng, hỗ trợ việc triển khai hoạt động hướng nghiệp.
Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tân – Giám đốc Sở cũng đã bày tỏ sự vui mừng khi được tiếp đoàn và đánh giá rất cao về các ý tưởng, phương thức triển khai đã nêu và sự chủ động hợp tác của trường. Ông cũng chia sẽ việc hợp tác này là hết sức ý nghĩa trong bối cảnh Tỉnh nhà đang rất cần đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, Nông nghiệp công nghệ cao đang là một lĩnh vực được Tỉnh rất quan tâm phát triển. Ông cũng mong muốn, các hoạt động sẽ đi vào thực chất để học sinh sẽ là những người trực tiếp được thụ hưởng các kiến thức, kỹ năng thông qua chương trình.
Kết thúc buổi làm việc, hai bên đã đạt được thống nhất cao trong phương thức triển khai, phối hợp và sẽ sớm cụ thể hóa bằng các văn bản, kế hoạch trong thời gian tới. Buổi làm việc đã kết thúc vào 16h cùng ngày.