Hội thảo Tiềm năng cơ hội hợp tác về Nghiên cứu và Giáo dục giữa Đại học Nông Lâm-Đại học Huế, Việt Nam và Đại học Khoa học Sự sống Praha-Cộng hòa Séc

Ngày 30.11, trường Đại học Nông Lâm-Đại học Huế, Việt Nam phối hợp với Đại học Khoa học Sự sống Praha-Cộng hòa Séc đã tổ chức Hội thảo Tiềm năng cơ hội hợp tác về Nghiên cứu và Giáo dục giữa Đại học Nông Lâm-Đại học Huế, Việt Nam và Đại học Khoa học Sự sống Praha-Cộng hòa Séc được sự tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác Phát triển Cộng hòa Séc.

Tham dự Hội thảo, có: Ông Martin Klepetko – Đại Sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Séc tại Việt Nam, Ông Milan Vagner – Tham tán Thương mại Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam, GS. Jan Banout-Trưởng khoa Khoa Khoa học Nông nghiệp Nhiệt đới, Đại học Khoa học sự sống –CH Séc.

Về phía Đại học Nông Lâm, có: PGS.TS Lê Văn An- Hiệu trưởng nhà trường, PGS. TS Phùng Thăng Long- Phó Hiệu trưởng cùng lãnh đạo các khoa Nông học, Chăn nuôi Thú y, Cơ khí Công nghệ, Thủy sản, lãnh đạo các phòng KHCN-HTQT, phòng ĐTSĐH, các cán bộ giảng viên của trường ĐHNL-ĐHH.

PGS.TS Lê Đình Phùng-Giảng viên khoa Chăn nuôi Thú y phát biểu khai mạc Hội thảo

Trường Đại học Nông Lâm-Đại học Huế và Đại học Khoa học Sự sống CH Séc đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác vào năm 2005 thông qua các dự án nghiên cứu và phát triển giữa hai trường đại học. Để hai trường đại học đạt mức cao hơn, hội thảo là dịp nhằm thảo luận, tìm kiếm mối quan hệ hợp tác sâu hơn về giáo dục và nghiên cứu giữa hai trường.

Trường Đại học Nông Lâm-Đại học Huế là một đại học nông nghiệp, với sứ mạng là đào tạo bậc đại học và sau đại học về lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn; thực hiện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu cho các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và cả nước. Bên cạnh đó, trường ĐHNL còn chú trọng đến phát triển hợp tác quốc tế. Điều này được xem như là một trong những chiến lược để hoàn thành sứ mạng và đạt được mục đích của nhà trường. Trong những năm qua, trường ĐHNL đang có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với các tổ chức, các viện, trường đại học trên thế giới. Hoạt động hợp tác quốc tế nhằm cung cấp cơ hội đào tạo cho cán bộ và cải thiện khả năng về giảng dạy và nghiên cứu của trường, khẳng định danh tiếng và vị thế của đại học vùng.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Lê Văn An- Hiệu trưởng đã thay mặt nhà trường chào đón Ngài Martin Klepetko – Đại Sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Séc tại Việt Nam đã đến tham dự và chứng kiến buổi chia sẻ thông tin, thảo luận giữa hai trường đại học. PGS.TS Lê Văn An cho biết, ngoài đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và khuynh hướng chung trong phát triển đại học tại Việt Nam và trên thế giới, trường ĐHNL đang hướng đến để trở thành một trường đại học khoa học sự sống. PGS.TS Lê Văn An nhấn mạnh, nhà trường sẽ phải thay đổi trong giáo dục và trong chiến lược nghiên cứu. Để thúc đẩy sự thay đổi này, nhà trường cần sự hỗ trợ từ bên ngoài dựa trên phát triển nguồn nhân lực, mạng lưới, chia sẻ kinh nghiệm…PGS.TS Lê Văn An hi vọng, Ngài đại sứ sẽ cung cấp những định hướng quý báu về sự hợp tác giữa hai trường trong tương lai.

PGS.TS Lê Văn An- Hiệu trưởng trường ĐHNL phát biểu tại Lễ khai mạc

Tiếp đó, Ngài Đại sứ Martin Klepetko bày tỏ vui mừng vì có mặt tại trường ĐHNL. Đây là dịp Ông có cơ hội lắng nghe những chia sẻ thông tin về mối quan hệ hợp tác về nghiên cứu và đào tạo giữa hai trường đại học trong 10 năm qua, đồng thời nhằm kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Cộng hòa Séc. Đại sứ Martin Klepetko cũng hi vọng, thông qua các chương trình dự án hợp tác và phát triển giữa ĐHNL Huế và Đại học Khoa học Sự sống-CH Séc, hai trường sẽ tiếp tục phát huy những gì đạt được, có những định hướng phát triển về đào tạo và nghiên cứu, đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ, kỹ thuật, môi trường…

ÔngMartin Klepetko – Đại Sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Séc tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu được lắng nghe về: Lịch sử hình thành, cơ cấu tổ chức, chương trình đào tạo, khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế giữa trường ĐHNL; Tổng quan về hiện trạng và ý kiến cho dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam; Công nghệ sau thu hoạch, hiện trạng và tiềm năng phát triển tại miền Trung Việt Nam; Các hệ thống hiện nay và cơ hội cải thiện sản xuất gia súc của nông hộ nhỏ tại miền Trung Việt Nam; Các loài thủy sinh có khả năng lan tràn trong nuôi trồng thủy sản; Tổng quan về các chủ đề nghiên cứu khả năng hợp tác giữa ĐHNL Huế và ĐH khoa học sự sống Prague. Cũng tại Hội thảo, GS. Jan Banout-Khoa Khoa học Nông nghiệp nhiệt đới đã trình bày tổng quan về trường ĐH Khoa học sự sống Prague, đặc biệt các dự án được thực hiện tại Việt Nam, như: Dự án phát triển bền vững tại xã Phong Mỹ từ năm 2006-2008; Hỗ trợ về Nuôi cá bằng nước sạch tại khu vực miền núi Việt Nam; Tái chế tài nguyên năng lượng cho các vùng nông thôn ở Thừa Thiên Huế. Kết quả của các dự án thực hiện đem lại lợi ích cho người dân, đã giải quyết một số vấn đề khó khăn trong đời sống thường nhật của người dân tại khu vực nông thôn và miền núi của Việt Nam.

Hội thảo kết thúc vào lúc 16h30 cùng ngày.

TS. Nguyễn Hồ Lam-Trưởng phòng KHCN-HTQT trình bày tại Hội thảo

GS. Jan Banout-Khoa Khoa học Nông nghiệp nhiệt đới trình bày tại Hội thảo

Hai trường tặng quà lưu niệm

Các đại biểu chụp hình lưu niệm