Mỗi khi nhắc đến CLB Tuổi trẻ vùng cao, nét mặt ThS. Lê Chí Hùng Cường, Bí thư Đoàn Trường Đại học Nông Lâm lại rạng rỡ. Anh bảo: “Ban đầu thành lập, mục đích là để giúp các em ấy nhanh chóng hòa nhập vào môi trường ĐH. Nhưng các em đã rất chủ động và hoạt động thành công. Không chỉ giúp nhau học tập, các kỹ năng, các em còn kết nối với sinh viên Lào, góp công trong việc tăng tình cảm giao lưu giữa sinh viên của hai nước”.
Luyện thuyết trình tiếng Việt
Tối, giữa tiết trời lạnh, một căn phòng ở Trường đại học (ĐH) Nông lâm, ĐH Huế vẫn còn sáng đèn. Mấy chục con người chăm chăm theo dõi một sinh viên đang giới thiệu bản thân. Thi thoảng, lời giới thiệu lại ngắt quãng. Người đứng nói chuyện bị “đơ”, còn phía dưới thì vang lên những câu giúp đỡ. Hờ Sáng, cô sinh viên người Ba Na đứng cạnh tôi, giải thích: “Bạn ấy đang luyện tập khả năng giao tiếp và thuyết trình bằng tiếng phổ thông”.
Chuyện luyện giao tiếp, thuyết trình tiếng Việt của sinh viên lạ với tôi, nhưng với Hờ Sáng, đó là hoạt động quen thuộc mà ngày xưa em cũng từng trải qua. Hờ Sáng kể: “Hồi trước, cứ mỗi lần đứng thuyết trình bằng tiếng Việt, em chỉ nói được tên tuổi, quê quán và thành phần gia đình. Tụi em mới bước vào giảng đường đại học thường rụt rè, vốn từ tiếng Việt không nhiều nên để giao tiếp khá khó khăn, từ đó ngại tiếp xúc với mọi người, kể cả bạn bè cùng lớp”.
Xem đó điểm yếu đặc trưng nên sau khi thành lập CLB Tuổi trẻ vùng cao (tháng 9/2016), cứ mỗi lần sinh hoạt, ngoài giao lưu văn hóa, trao đổi những nội dung chuyên môn thì các thành viên đều dành thời gian tập các kỹ năng, đặc biệt là giao tiếp và thuyết trình. Gần 100 con người đến từ 15 dân tộc anh em của Việt Nam cùng các sinh viên Lào, đa phần được trải qua những buổi luyện nói. Hồ Văn Trần, chủ nhiệm CLB lý giải: “Với tụi em, tiếng Việt như là ngoại ngữ thứ hai, dù đã học 12 năm phổ thông. Yếu ăn nói thì khó hòa nhập vào cộng đồng và tìm kiếm công việc, nên những buổi tập như thế có khi kéo dài một hai giờ đồng hồ mà ai cũng cố gắng”.
Môi trường đa phần là những người xuất thân giống nhau, nên chẳng ai thấy ngại hay chán nản. Mỗi lần gặp nhau, các sinh viên lại chỉ nhau kỹ năng giao tiếp và thuyết trình tiếng Việt. Ngoài sinh viên người dân tộc thiểu số, một số trường hợp là người Kinh cũng gia nhập để sinh hoạt và hỗ trợ bạn tập thuyết trình. Chủ đề mỗi lần sinh hoạt có thể đổi, từ những câu chuyện giới thiệu bản thân đến cách quảng bá nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc mình. Hồ Văn Trần có lần còn khoe, khi mới về làm thủ tục nhập học ở TP. Huế, vì ngại giao tiếp, lại sợ bị chặt chém nên phải nhịn đói trở lại A Lưới. Nhưng nay, cũng nhờ luyện giao tiếp thành thạo, vốn từ nhiều nên nỗi lo xưa không còn, em đã mạnh dạn, tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt.
Khi sự rụt rè được xua tan, hiệu quả trong sinh hoạt CLB cũng trở nên phong phú. Hờ Sáng kể, nhờ quá trình tập luyện đó, hoạt động giao lưu các bạn trong CLB nhằm tìm hiểu văn hóa của nhau thuận lợi hơn, từ đó dễ dàng chơi các trò chơi, hay cùng nhau tập luyện biểu diễn các bài hát, múa của các dân tộc thiểu số. Sắp tới, các thành viên còn dự định tổ chức lễ hội các văn hóa dân tộc.
Đẩy lùi tư tưởng bỏ học
Ngoài giúp nhau học tập, những thành viên CLB Tuổi trẻ vùng cao lại có một nhiệm vụ khá quan trọng, đó là đẩy lùi tư tưởng bỏ học. Hồ Văn Trần kể, phần lớn sinh viên vùng cao đều rất khó khăn nên dễ nảy sinh tư tưởng chán nản, bỏ học. Không có thống kê đầy đủ, nhưng theo ước tính của những thành viên CLB, cứ mỗi năm học có khoảng 10 – 20% sinh viên người dân tộc thiểu số tâm sự muốn chia tay giảng đường.
Điển hình như trường hợp của KSor Nhâm (sinh viên người Gia Rai) đến năm 3 muốn bỏ học. KSor Nhâm kể, trước đây ba của em còn lao động đỡ đần gia đình. Khi ba mất, Nhâm cảm thấy mọi thứ như sụp đổ và nhiều lần có ý định bỏ học để kiếm tiền phụ mẹ. Học kỳ đầu tiên năm thứ 3, Nhâm chỉ học đúng 1 ngày rồi nghỉ luôn cả tháng sau đó làm lễ chia tay mọi người để đến Hà Nội làm thêm. Nhưng chỉ 3 ngày sau, Nhâm lại trở về Huế. “Em nhớ môi trường học đường, nhớ lời khuyên của thầy cô, bạn bè, anh chị em trong CLB. Suy nghĩ mãi, em quyết định trở về”, KSor Nhâm nhớ lại.
Những câu chuyện như KSor Nhâm theo Hờ Sáng là khá phổ biến, nhưng đáng mừng là luôn có một kết thúc có hậu khi mọi người đều ở lại với trường lớp. Bí quyết để động viên người bỏ học không phải chỉ từ ban chủ nhiệm CLB mà hầu như ai cũng làm, đó là san sẻ khó khăn cho nhau. Nhiều sinh viên người dân tộc thiểu số rất nghèo, có khi 2 – 3 tháng ba mẹ vẫn chưa gửi tiền hỗ trợ. Vì thế, cứ hễ thấy bạn “kẹt”, các em cho mượn tiền, gạo, thậm chí là mắm, muối, bình gas… với phương châm: “Ai có gạo cho gạo, ai có mắm cho mắm”.
Từ khi CLB ra đời đến nay, đã có 223 thành viên được kết nạp, suy nghĩ về chuyện bỏ học cũng ít dần. Sinh viên khóa trên giúp em út khóa sau bằng những lời động viên. Người đã ra trường đi làm kiếm được thu nhập lại giúp đỡ người còn học về mặt vật chất. Điển hình như cựu sinh viên Pơloong Thị Mai Huệ thi thoảng lại ủng hộ vào quỹ CLB để “đỡ” một phần hội phí cho các em. Nhắc đến chuyện này, một số sinh viên hay cựu sinh viên bảo, họ đang cùng nhau thực hiện một giấc mơ.
Cứ mỗi dịp dự sinh hoạt CLB, giấc mơ ấy lại được gợi lên không phải từ lời nói mà bằng sự nỗ lực luyện thuyết trình tiếng Việt, những lời động viên nhau của sinh viên từ 16 dân tộc (tính cả sinh viên Lào). Họ cùng viết nên câu chuyện đẹp: giữa lòng Cố đô, có một giấc mơ của những sinh viên vùng cao – giấc mơ vượt khó học tập để thoát nghèo.