Ở vùng đất cát nghèo dinh dưỡng và quỹ đất hạn chế, bà con luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn thức ăn cho bò, đặc biệt khi mùa khô kéo dài và mùa mưa gây ngập úng trên diện rộng, năng suất cây trồng thấp.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là chủ trương lớn của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, song câu hỏi đặt ra là chuyển đổi như thế nào? Trồng cây gì để có thể thu lợi nhuận cao và bền vững? Được sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR), Dự án SMCN/2007/109/3“Kết hợp tốt hơn hệ thống chăn nuôi bò và trồng trọt tại vùng duyên hải Nam Trung Bộ”, do trường Đại Học Nông Lâm Huế chủ trì, các nghiên cứu nông hộ đã được thực hiện từ năm 2008-2013, tại 3 xã Cát Trinh, Phù Cát, Bình Định; An Chấn, Tuy An, Phú Yên và Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận với mục đích nâng cao sự kết hợp giữa hệ thống chăn nuôi bò thịt với hệ thống trồng trọt, nhờ vậy mà nâng cao lợi tức của các nông hộ quy mô nhỏ.
Trong chuyến công tác tại các tỉnh Duyên Hải Nam Trung bộ cho dự án ACIAR – LPS/2012/062, chúng tôi đã đến thăm một số hộ gia đình và đánh giá bước đầu về công tác chuyển giao kỹ thuật đến nông dân, kết quả cho thấy từ khi chuyển một phần diện tích trồng hoa màu sang trồng cỏ để phát triển đàn bò vào năm 2009, đời sống người dân vùng cát ở các tỉnh Duyên Hải Nam Trung bộ đã có những cải thiện rõ nét. Có thể khẳng định sau hơn 5 năm thực hiện, dự án SMCN/2007/109/3 đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội rõ rệt. Đặc biệt dự án đã rất thành công trong việc giới thiệu các giống cỏ mới có năng suất và chất lượng cao như Mulato II, TD58 và VA06 để nông dân nhân rộng diện tích trồng nhằm chủ động tạo nguồn thức ăn xanh giàu dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu chăn nuôi và góp phần phát triển đàn bò lai trên địa bàn vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Là một trong những người đi tiên phong thực hiện mô hình trồng cỏ ở Bình Định, ông Tính cho biết:
“Hiện nay, Mulato II là vua của các loại cỏ. Giống cỏ mới này có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các giống cỏ được trồng trước đây bởi nó có năng suất cao từ 200 – 250 tấn/ha/năm, thời gian thu hoạch ngắn khoảng 25 – 30 ngày/lứa. Nếu thu hoạch đảm bảo đúng thời gian thì chất lượng cỏ đạt yêu cầu như thân mềm, lá mềm, lá nhiều hơn thân, lượng đạm cao, xơ thấp, rất thích hợp với khẩu vị của bò. Trong 2 năm 2013 và 2014, tôi đã bán hom giống cho dự án Sinh kế nông thôn bền vững, đề tài Nông thôn mới Bắc Trung Bộ và các hộ dân trong khu vực với số lượng khoảng 5 tấn với giá 4.000-5.000đồng/kg ”
Đoàn chuyên gia dự án đến thăm vườn cỏ Mulato II của nông hộ tại Bình Định
Việc chuyển giao các giống cỏ mới còn mang lại lợi ích cho các nhóm hộ không tham gia vào dự án thông qua việc trao đổi giữa những người nông dân với nhau, cán bộ địa phương, cán bộ khuyến nông và các tác nhân trong chuỗi giá trị thịt bò. Mô hình trồng các giống cỏ mới được dự án triển khai năm 2009 chỉ với 45 hộ dân tham gia ở Bình Định, Phú Yên và Ninh Thuận, nhưng đến nay đã có hơn 90% các hộ chăn nuôi bò đưa vào sản xuất các giống cỏ này.
PGS.TS Nguyễn Xuân Trạch – Phó giám đốc Học viện Nông Nghiệp Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Xuân Bả – Giám đốc dự án ACIAR LPS/2012/062, ông Tăng Xuân Lưu – Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu bò sữa và đồng cỏ Ba Vì, Viện chăn nuôi Việt Nam đến thăm quan vườn cỏ của anh Lượng tại Bình Định
Khoảng 80% nông dân cho biết thu nhập của họ được tăng thêm, chủ yếu là do giảm được chi phí sản xuất. Ông Phúc, một nông dân tại Phú Yên đã cải thiện được việc quản lý cỏ như giảm khoảng cách cắt lứa cỏ xuống 25 ngày, bón phân urê và phân chuồng sau mỗi lần cắt, cải tiến hệ thống tưới tiêu. Kết quả là, hộ nông dân này đã có đủ nguồn cỏ cho chăn nuôi bò thay vì phải mua nhiều thức ăn hỗn hợp như trước kia. Cụ thể chi phí hoạt động chăn nuôi 3 con bò đã giảm từ 3,85 triệu đồng năm 2011 xuống 2,05 triệu đồng năm 2013.
Ông Phúc (áo đỏ) giới thiệu cho cán bộ phòng Nông nghiệp – PTNT về lựa chọn cỏ tại Phú Yên
Ngoài ra, các hộ gia đình còn ghi nhận nhờ chủ động được nguồn cỏ trồng nên đã giảm được thời gian lao động trong chăn nuôi bò. Một nông dân ở Bình Định phấn khởi chia sẻ:
“Từ khi xin cỏ của các hộ mô hình dự án về trồng tại vườn, tôi không còn tốn thời gian để chăn bò và cắt cỏ tự nhiên nữa. Tôi đã mở rộng được 600m2 đậu xanh và ớt, trong đó 20% là để dùng trong nhà. Phần còn lại tôi sẽ bán và có thể kiếm được gần 1triệu đồng/vụ. Ngoài ra, tôi còn tranh thủ thời gian rỗi nuôi thêm 3 con lợn nái”
Việc tăng hiệu quả lao động thể hiện thông qua việc tiết kiệm thời gian lao động cho phụ nữvà trẻ em, và qua đó tạo cơ hội phát triển cho các đối tượng này. Con gái ông Thi, một nông dân ở Phú Yên cho biết:
“Khi mẹ tôi đi chăn bò, tôi phải ở nhà để nấu bữa trưa. Vì vậy tôi thường đến trường muộn và tốn nhiều thời gian để nấu ăn. Nay thì mẹ tôi có thể chuẩn bị cơm cho gia đình bởi vì bà không còn phải đi chăn bò nữa, và tôi có nhiều thời gian hơn để học.”
Qua sự tiếp đón nồng hậu với những nụ cười thật tươi khi chia sẻ về thành quả đã đạt được, chúng tôi biết rằng những người nông dân này thật sự hạnh phúc từ khi có sự hỗ trợ của dự án ACIAR SMCN/2007/109/3./.