Sáng ngày 13 tháng 1 năm 2013, tại Tòa nhà thư viện mang tên cố Bộ trưởng GS. Tạ Quang Bửu, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2014-2019 đã khai mạc trọng thể kỳ họp đầu tiên dưới sự chủ trì của GS.TS. Phạm Vũ Luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng.
Toàn thể các thành viên Hội đồng gồm 3 Giáo sư trong Thường trực và 28 thành viên, GS. Chủ tịch 28 Hội đồng Chức danh giáo sư các ngành/liên ngành đã về dự đông đủ.
Sau phát biểu khai mạc của GS. Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng, GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng, thay mặt Thường trực Hội đồng, đã trình bầy báo cáo kết quả xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2014 ở 89 Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở và 28 Hội đồng Chức danh giáo sư ngành/ liên ngành trong cả nước.
Theo báo cáo, năm 2014, có 822 nhà giáo nộp hồ sơ đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Trong số 822 ứng viên, có 92 nhà giáo đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS và 730 ứng viên xét đạt tiêu chuẩn chức danh PGS
Kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn ở 89 Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở: 82 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS (tỉ lệ đạt 89.13%) và 667 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh PGS (tỉ lệ đạt 91,37%).
Kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn ở 28 Hội đồng Chức danh giáo sư ngành/ liên ngành: 63 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS (tỉ lệ đạt 76,83%) và 586 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh PGS (tỉ lệ đạt 87,86%).
Kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn tại HĐCDGSNN, sau khi bỏ phiếu đã có 59 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS (tỉ lệ đạt 93,65%) và 585 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS (tỉ lệ đạt 99,83%).
Theo kế hoạch, Kỳ họp của Hội đồng lần này diễn ra trong 3 ngày từ 13 đến 15 tháng 01 năm 2015. Ngoài nhiệm vụ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho các ứng viên năm 2014, Hội đồng sẽ thảo luận về kế hoạch và chiến lược của Hội đồng trong nhiệm kỳ này, đề xuất các chủ trương, giải pháp để nâng cao chất lượng xét công nhận đạt tiêu chuẩn chứng danh GS, PGS, từng bước tiệm cận với chuẩn mực Khoa học – Giáo dục khu vực và thế giới, để đội ngũ nhà giáo có chức danh GS, PGS của Việt Nam ngày càng có những đóng góp xứng đáng cho nền Giáo dục – Đào tạo và Khoa học – Công nghệ nước nhà.