Trong khuôn khổ hợp tác với Đại học Khoa học Nông nghiệp Thuỵ Điển (SLU) và Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu Nông nghiệp vì sự phát triển (CIRAD), sáng ngày 02/12/2024, Trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH) đã tổ chức khai mạc Hội thảo Quốc tế về Quản lý sinh cảnh bền vững. Hội thảo được diễn ra từ ngày 02/12/2024 đến 04/12/2024.
Đến tham dự Hội thảo; về phía ĐHH, có TS. Đỗ Thị Xuân Dung – Phó Giám đốc ĐHH; GS.TS. Trần Đăng Hòa – Thành viên điều hành Hội đồng ĐHH, Chủ tịch Hội đồng trường ĐHNL, ĐHH. Về phía Trường ĐHNL, ĐHH, có GS.TS. Lê Đình Phùng – Phó hiệu trưởng, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo; PGS.TS. Nguyễn Hữu Văn – Phó hiệu trưởng. Bên cạnh đó, Hội thảo đã đón tiếp các đại diện từ Sở, Ban, Ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế và các cán bộ, giảng viên của Trường ĐHNL quan tâm tham dự – đặc biệt Hội thảo còn có sự tham gia của hơn 50 nhà khoa học đến từ các trường Đại học trên Thế giới bao gồm: Đại học Kasetsart và Đại học Hoàng tử Songkla (Thái Lan), Instiper và Đại học Sumatera Utara (Indonesia); Đại học Đại học Philippines Los Baños; Đại học Quốc Gia Lào; Đại học Hoàng Gia Phnôm Pênh; Đại học Okayama; Đại học Khoa học Nông nghiệp Thuỵ Điển; Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS.TS. Lê Đình Phùng – Phó hiệu trưởng, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo đã bày tỏ vinh dự khi được trân trọng tiếp đón các nhà khoa học danh tiếng trong nước và quốc tế, các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ địa phương cũng như các cá nhân đến từ 10 quốc gia khác nhau của 04 Châu lục và các cơ quan chính phủ của Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học, viện nghiên cứu cùng về trường ĐHNL, ĐHH tụ họp để cùng nhau chia sẻ kiến thức, chuyên môn và kinh nghiệm. Thông qua các chủ đề của Hội thảo Quản lý sinh cảnh bền vững, GS.TS. Lê Đình Phùng cũng nhấn mạnh rằng, trong 03 ngày (từ 02/12/2024 đến 04/12/2024), chúng ta sẽ có cơ hội cùng nhau trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Các thảo luận sẽ tập trung về các chủ đề như: Thích nghi dựa vào hệ sinh thái, nông lâm kết hợp, chuỗi cung ứng không gây suy thoái rừng được xem như nhiệm vụ then chốt của việc quản lý sinh thái. Mặt khác, Hội thảo sẽ là cơ hội khám phá, tăng cường mối quan hệ giữa chính phủ, nhà khoa học, chuyên gia, INGOs, các doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng địa phương để có thể đạt được các kết quả bền vững. Cũng tại lễ khai mạc; GS.TS. còn bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến Ban tổ chức, trong đó có: Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung; Khoa Phát triển Nông thôn trường ĐHNL, ĐHH; cùng với đó là lời cảm ơn chân thành đến các nhà tài trợ chính, Hội đồng khoa học Thụy Điển và Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp về Phát triển quốc tế Pháp. GS.TS. Lê Đình Phùng cho rằng nếu không có sự hỗ trợ này thật khó để chúng tôi có thể tổ chức được Hội thảo này.
Mục tiêu của Hội thảo nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà hoạch định chính sách, cán bộ địa phương kết nối mạng lưới, trao đổi và chia sẻ về những nội dung liên quan đến thích ứng dựa vào hệ sinh thái, nông lâm kết hợp thông minh, và chuỗi cung ứng không gây suy thoái rừng và mất rừng (EUDR). Hội thảo sẽ tập trung vào các chủ đề như: (1) Thích ứng dựa vào hệ sinh thái (2) Hệ thống nông lâm kết hợp thông minh (3) Chuỗi cung ứng nông sản không gây suy thoái rừng và mất rừng. Cùng với các báo cáo tham luận đến từ các đại biểu quốc tế sẽ góp phần tạo nên sự đa dạng và chất lượng cho Hội thảo.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan đến tầm quan trọng của hệ sinh thái và mô hình nông lâm kết hợp đối với đời sống của con người. Các chuyên gia cũng đã đánh giá những nguy cơ tiềm ẩn do tác động quá mức của con người lên môi trường sinh thái, đặc biệt là việc khai thác rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã thảo luận và đưa ra các giải pháp thích ứng dựa trên hệ sinh thái, nhằm hỗ trợ phát triển sinh kế, tiêu thụ sản phẩm từ chuỗi cung ứng nông sản an toàn, công nghệ cao, không phụ thuộc vào rừng và không gây tổn hại đến tài nguyên rừng.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu sẽ tham quan thực địa các mô hình Quản lý sinh cảnh bền vững tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế như: Mô hình Vườn ươm cộng đồng, mô hình Cây ăn quả xen canh, mô hình Quản lý lâm nghiệp cộng đồng.
Hội thảo sẽ kết thúc vào ngày 04/12/2024.