Từ ngày 01-03/10, tại Đắk Lắk, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Trường Đại học Tây Nguyên đã tổ chức thành công Chiến dịch truyền thông vận động thúc đẩy bình đẳng giới với chủ đề “Thanh niên dân tộc thiểu số tiên phong thay đổi định kiến giới vì khát vọng phát triển”. Chiến dịch nhằm góp phần nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và sự tham gia của sinh viên, thanh niên là người dân tộc thiểu số trong các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Sự kiện được tổ chức dưới sự chủ trì, chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. Tham dự các hoạt động còn có bà Hoàng Thị Hạnh, Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc và đại diện một số Bộ, ngành và cơ quan Trung ương, gồm: Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS HCM; đại diện UBND tỉnh, các sở ban, ngành tỉnh Đắk Lắk; đại diện lãnh đạo các trường Đại học và hơn 70 sinh viên dân tộc thiểu số (DTTS) tiêu biểu đến từ các Trường tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Trong khuôn khổ Chiến dịch truyền thông, nhiều hoạt động thiết thực đã được diễn ra, bao gồm:
+ Hội thảo thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) trong thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới;
+ Giao lưu trình diễn sáng kiến truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho thanh niên DTTS giữa sinh viên tiêu biểu các trường Đại học khu vực miền Trung và Tây Nguyên;
+ Chương trình Liên hoan văn nghệ thanh niên các DTTS khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Trong chuỗi hoạt động này, đoàn sinh viên dân tộc thiểu số (DTTS) tiêu biểu của Trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế cũng đã tham gia dự thi Hoạt động giao lưu trình diễn sáng kiến sáng tạo, hiệu quả trong truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho nam, nữ thanh niên dân tộc thiểu số. Tiểu phẩm mang tựa đề: “Lời hứa của núi” đã được Ban giám khảo đánh giá cao và xuất sắc đạt Giải Ba của Hội thi.
Phát biểu khai mạc Hội thảo “Thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên dân tộc thiểu số trong thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới”, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, có 54 dân tộc anh em cùng chung sống lâu đời, trong đó có 53 DTTS. Do điều kiện sinh sống khá đặc thù và do nhiều nguyên nhân, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế, xã hội trên các địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi, song đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều vấn đề xã hội đặt ra còn phải tiếp tục giải quyết, trong đó có vấn đề bất bình đẳng giới.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, thậm chí tồn tại dai dẳng những vấn đề bất bình đẳng giới, cản trở sự phát triển của cả nam và nữ ở khu vực này là định kiến giới và khuôn mẫu giới. Những định kiến, khuôn mẫu giới được lưu truyền trong gia đình, cộng đồng và tạo thành một vòng luẩn quẩn. Trẻ em lớn lên trong môi trường phải chứng kiến những hành xử của người lớn theo kiểu định kiến sẽ tiếp thu, làm theo và trao truyền cho thế hệ con cháu mình. Cứ như vậy, hết thế hệ này đến thế hệ khác, các khuôn mẫu, định kiến giới trở thành thói quen, có thứ trở thành văn hoá, nếu không có sự nhận thức đúng và quyết tâm thay đổi để xoá bỏ những định kiến và khuôn mẫu đó thì sự bất bình đẳng sẽ vẫn mãi tồn tại và tiếp tục là rào cản cho sự phát triển của đồng bào DTTS.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền tin tưởng các sinh viên tham dự Chuỗi hoạt động ý nghĩa này sẽ là những người tiên phong thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, xóa bỏ những tập tục không còn phù hợp, là rào cản cho sự phát triển của người dân khu vực này. Đồng thời, mỗi em sẽ là một tuyên truyền viên tích cực, có nhiều sáng kiến, cách làm hay, sáng tạo trong tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới tới bạn bè, người thân trong gia đình và thế hệ trẻ… góp phần thúc đẩy hơn nữa vấn đề bình đẳng giới tại vùng đồng bào DTTS & miền núi.
Với hơn 1.000 nghìn sinh viên, thanh niên, trong đó nhiều sinh viên là người DTTS đến từ các trường Đại học, khu vực miền Trung và Tây Nguyên cùng tham gia trao đổi, chia sẻ, thảo luận với các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, những người có tầm ảnh hưởng tại cộng đồng về những vấn đề đặt ra, kinh nghiệm và giải pháp nâng cao nhận thức, tăng cường hơn nữa vai trò, tiếng nói và sự tham gia của thanh niên, sinh viên dân tộc thiểu số trong các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ những phong tục, tập quán không còn phù hợp và tham gia vào các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội…
Đồng thời, thông qua hoạt động giao lưu trình diễn, những sáng kiến, cách làm hay, sáng tạo, có tính ứng dụng cao trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thanh niên, sinh viên DTTS về bình đẳng giới, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, gìn giữ và phát huy những tập tục văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS sẽ được lan tỏa và nhân rộng, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới vùng DTTS và miền núi.